page-header

RỪNG TRÀM TRÀ SƯ AN GIANG

MIỀN TÂY CŨNG LẠ LẮM À NGHEN!

BÚN CÁ CHÂU ĐỐC 

Ẩm thực vùng miền có lẽ là thứ khó quên trong lòng người lữ khách mỗi chuyến đi xa. Cho nên, đến An Giang rồi, nhất định bạn phải tìm được một quán bún cá local lâu năm, không cần quá nổi tiếng chỉ cần đúng chuẩn bún cá Châu Đốc là được: nước dùng ngọt thanh với củ ngải bún, mắm ruốc đậm đà và cá lóc vàng ươm màu nghệ,..tất nhiên không thể thiếu rau sống ăn kèm là bông điên điển- loài cây đặc trưng của Miền Tây sông nước… 

Sáng ngày cuối cùng ở lại An Giang, chúng tôi vẫn ghé vào một quán bún cá khác trên đường đi ngược về rừng tràm Trà Sư như muốn níu lại chút hương vị của vùng đất mến khách này.

Ngược về Tịnh Biên, không khó để chúng ta bắt gặp những ngôi chùa Khmer độc đáo mang hơi thở kiến trúc Phật giáo Nam Tông. Với màu vàng làm chủ đạo cùng cảm hứng điêu khắc về cuộc đời đức Phật, hoa lá cỏ cây mây nước phản ánh tâm tư tình cảm, lối sống văn hóa thường ngày của người dân Khmer nơi đây

Hiền hòa như sông Hậu, sông Tiền. 

RỪNG TRÀM TRÀ SƯ

Băng qua cung đường đất ruộng bạt ngàn màu lúa chín là đoạn đường rợp bóng cây tràm, báo hiệu chúng tôi đã gần tới Trà Sư rồi. 

-Em vừa nhìn thấy một con gà tre dưới kênh á!

-Gà tre nào mà ở dưới kênh rừng Tràm, đó là con Chim Quốc á, nó lười lắm, ở quê anh chim quốc thì đi bộ như gà, còn gà thì bay lên cây như chim á!

*Cười quá trời cười*

Lần đầu tôi thấy con Chim Quốc gần đến vậy, cu cậu lững thững kiếm ăn mặc cho ai tới gần tóm lấy cổ, với cu cậu mà nói có lẽ chẳng có gì nguy hiểm hơn là không kiếm được mồi. 

Nói đoạn thì tới bãi đỗ xe của Khu du lịch sinh thái rồi. 

Nhanh chóng vào trong để mua vé, vì người anh là hướng dẫn viên nên chỉ cần có thẻ là vào được rồi. 

-Cầm lấy cái vé “ chuồng xèo” của em này!

-Cái “ chuồng xèo”?

-À chèo xuồng *cười quê*

Nói ngược mà không biết mình nói ngược luôn. 

Đi qua cầu là đến “Thành phố bồ câu” ở đây có rất nhiều ngôi nhà bồ câu…chỉ cần có thức ăn là chúng sà đến quanh mình…đông như trẩy hội.

Thật ra một cách rất là cá nhân, mình không thích những tạo hình ở đây là mấy, những bức tượng nhiều hình thù, những cây hoa trang trí nhiều màu sắc,…Nhưng mà điều có thể khiến mình vui vẻ và enjoy đi tiếp vào bên trong chính là mình đang được trải nghiệm một nền văn hóa đậm chất miền Tây Nam Bộ thật sự.

Đường tới khu tàu máy và xuồng ba lá là những sạp bán đồ đặc sản miền Tây. Mua một chiếc khăn rằn và bắt đầu hành trình khám phá nơi được mệnh danh là “ Rừng Tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi”. 

Thật ra sự háo hức đến từ việc mình đã mơ ước, mong muốn đặt chân đến mảnh đất này từ rất lâu rồi, để tìm lại cái cảm giác được làm con gái miền Tây sông nước với mênh mông rừng tràm. 

Nhưng ngoài việc làm màu với chiếc khăn rằn và nón lá ra thì mình thật sự không biết chèo xuồng.

-Bạn ấy là con gái miền Tây nhưng lại không biết chèo xuồng nha các bạn.

-Em không biết chèo xuồng nhưng em sẽ hát cho cả nhà nghe một khúc dân ca Nam Bộ.

*Bắt đầu nghêu ngao trong khi cầm chiếc sào khươ khươ làm màu*

– Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm, thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh…Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ…hờ…

Trong cái không gian quá ư hợp hoàn cảnh thì mấy người trên chiếc xuồng ba lá phía trên xì xào còn tưởng tôi đang quay MV ca nhạc nữa cơ đấy!

Giờ nghĩ lại, với chất giọng lanh lảnh và cách xử lý nốt rất là “ ổn định không lên không xuống” này mà hát bài “Tình anh bán Chiếu” thì không còn gì để nhận xét:

-Ghe chiếu “Cà Maooo” đã cắm sào trên bờ kinh “Ngã Bảiiii”…sao cô gái năm xưa hổng thấy ra…ớ ơ…chàooooooo

Bất giác tôi thấy mình như đang ngồi trên chiếc thuyền hoa theo chồng về xứ miệt vườn vậy! Nghĩ tới đây thôi là hông dám hát tiếp rồi, đành lặng im nhìn ngắm mọi thứ đang diễn ra xung quanh như trong mơ vậy. Một giấc mơ xanh rất xanh với những cây tràm nước và các loại bèo: Bèo cám, Bèo Hoa Dâu, Bèo Tây (hay còn gọi là Lục Bình),…Còn để nói về chim thì đúng là ngoài con chim quốc chạy như con gà hồi nãy trên đường bắt gặp, còn lại có quá nhiều loài lần đầu tận mắt thấy cũng như không thể biết được tên của chúng nếu không có chú hướng dẫn (cũng là người chèo xuồng) chỉ giáo: Kia là chim Vạc Xanh, này là chim Vạc Bông, Chim Trích Ré, Chim Trích Cồ, Khứu Khoang Cổ, Khứu Xám, Diệc Xám, Diệc Lửa, Cu Ngói, Cu Ngói, Cu Gáy, Cò Tuyết, Bồ Nông,…

Còn có con chim le le nữa, nhưng nó không đậu cành me mà nó đậu trên…ngọn cây tràm!

Đi một vòng quanh các khu vực thì chúng tôi lại được quay vòng trở lại bến xuồng cũ.

Cũng may mua vé khứ hồi. 

Sau đó chúng tôi đi trên một chiếc cầu tre được công nhận là chiếc “ Cầu tre trong Rừng Tràm dài nhất Việt Nam”, đi một đoạn thì gặp hai ngôi nhà tạo hình trống mái, bên mái trưng bày hình ảnh các loài thực vật còn bên trống trưng bày thông tin về các loài chim và động vật khác trú ngụ trong rừng Tràm…

Chúng tôi lưu lại một vài bức hình rồi mau chóng rời đi mà không vào quá sâu bên trong, chiếc cầu tre lâu ngày có một số đoạn đã xuất hiện những thanh gãy. Di chuyển ra phía bên ngoài, ngồi uống một ly thốt nốt còn tươi hơn cả ly thốt nốt dưới chân núi Sam, mà cảm thấy yêu đời biết bao nhiêu! 

Đồ ăn ngon chính là chân ái!

-Cháu người ở đâu qua đây chơi

-Cháu từ Phú Quốc qua cô ạ

Một cuộc nói chuyện nhỏ với Cô Út Trà Sư về An Giang, về Trà Sư và cả về Phú Quốc nữa. Ở cái độ tuổi của cô, chẳng có nhiều vướng bận mà đi đó đi đây hẳn là rất may mắn.  

THIÊN CẨM SƠN

Rời khỏi Trà Sư, chúng tôi cũng không còn nhiều thời gian để về bến phà nữa. Đường về ngang qua Núi Cấm…liền quyết định rẽ ngang, mặc cho có thể trễ chuyến phà muộn nhất. 

-Đã đến đây rồi, thì đi cáp treo lên Núi Cấm luôn cho trọn vẹn!

Đúng là có những thứ, những người, nếu không làm ngay gặp ngay, chắc sẽ khó có cơ hội làm hay gặp lại.

Mặc những lời chèo kéo dẫn đường đi xe máy lên núi, chúng tôi mau chóng tự đến nơi mua vé cáp treo và bắt đầu hành trình lên Núi Cấm. Cáp treo đi ngang qua hồ Thanh Long- nơi được xem như là công trình đánh dấu bước ngoặt lịch sử phát triển thủy lợi ở vùng Thất Sơn (Bảy Núi). 

Cáp treo lên tới đỉnh, một thị trấn thu nhỏ hiện ra trước mắt với những công trình kiến trúc kì vĩ. 

Không thể ngờ trên đỉnh núi cao hơn 750m so với mực nước biển lại có thể có một hồ nước ngọt lớn đến như vậy- Hồ Thủy Liêm. Từ xa là tượng phật Di Lặc màu trắng ngồi ung dung với nụ cười sảng khoái. Bức tượng Di Lặc lớn đến mức những cái cây to lớn nhất trên núi Thiên Cẩm cũng không thể che lấp được một phần của bức tượng này.

Dưới chân Chùa Lớn và chùa Vạn Linh, hoạt động mua bán của người dân diễn ra xôi nổi. Chúng tôi đã thử ăn món tàu hũ muối tiêu rau răm và món bánh lọt trước khi tham quan một vòng xung quanh hồ. 

Hồ Thủy Liêm có rất nhiều cá, do hoạt động tâm linh, người ta thường mua cá để phóng sinh dưới hồ.

Vì thời gian có hạn nên chúng tôi không vào chùa Vạn Linh nữa. Đường xuống núi, thấy rõ sinh cảnh trong rừng với màu sắc khác nhau của lá. 

-Ở đây không có lá bứa nhỉ?

Lại cười to vì nhắc tới lá bứa không khỏi nhớ đến những ngày lang thang trong Vườn Quốc Gia Phú Quốc. 

Đường về bến phà, một cơn mưa bất chợt ghé ngang. Dưới mái hiên, có một người bán cốm tươi trú mưa cùng…Nếu mà trú mưa lâu quá sẽ trễn chuyến phà.

Ngớt mưa một chút, chúng tôi quyết định chạy về, không quên mua bịch cốm để nhỡ có lên phà được thì…lên. 

Cũng hên xui lắm, nhờ cả vào “nhân phẩm” đấy.

Chiếc xe phóng nhanh hết mức có thể, tưởng chừng muốn bay lên khỏi mặt đường với những ổ gà ổ voi chi chít…Tới nơi thì người ta đóng quầy rồi nhưng bằng “thế lực” nào đó chúng tôi vẫn mua được và ngồi yên vị trên ghế phút chót, ăn món cốm dừa vừa dẻo vừa thơm 

Ngủ một giấc là về tới Phú Quốc rồi. Hẳn là một hành trình thật dài với nhiều kỉ niệm đáng nhớ.

Hà Tiên- An Giang- Chuyến đi của thanh xuân!

Hình ảnh: Quangsi.net

Tác giả: Hala Journey