page-header

PHÚ QUỐC TRỜI THÁNG TƯ CÓ MƯA

“MÙI ĐẤT” SAU CƠN MƯA ĐẦU MÙA 

Tháng tư, cái nắng của Phú Quốc hãy còn dễ chịu, dễ chịu tới mức nếu không tập trung vào hơi thở giường như tôi quên bẵng đi mình cũng cần hô hấp để duy trì sự sống này. Rồi đâu bất chợt, một cơn mưa ghé qua đây, mang theo mùi hương đặc trưng mang tên “hơi đất”, chúng kéo vào tận sảnh của tòa nhà cao tầng và gợi cho tôi liên tưởng về những kí ức tuổi thơ rất lâu tại quê nội, nguồn nhiệt ấm áp ấy ôm trọn lấy tâm trí tôi, thật dễ chịu!

Phú Quốc- Trời tháng tư có mưa

Trong cái trí nhớ mờ ảo như sương ấy, “mùi đất” sau những trận mưa rào ở làng quê phương Bắc “nồng nàn” và “đậm đà” hơn hẳn. Nếu có thể gói ghém vào một bài thơ thì đó chính là bài thơ “ Mưa” của Trần Đăng Khoa.

“Sắp mưa

Sắp mưa

Những con mối

Bay ra

Mối trẻ

Bay cao

Mối già

Bay thấp”

Mối. Những con mối đầy trước hiên nhà, bay quanh nguồn sáng…Bên dưới một chậu nước đầy ắp, chứa đựng những “ xác mối” lao vào như thiêu thân vậy! Lúc đó, tôi thực sự chẳng thể hiểu nổi nguyên lý của hiện tượng này, cũng chẳng thể hỏi thêm vì đã hỏi quá số lượng câu hỏi “vì sao” mà người lớn cho là “ngớ ngẩn” trong ngày rồi! Nhưng:

-Vì sao tụi mối lại bay ra trước khi cơn mưa kéo tới ạ?

 

Chẳng ai đáp lại nhóc con trong cái không gian ồn ào của cơn giông đó cả, sấm chớp đùng đoàng, người lớn bận đi thu gom quần áo, chạy rơm, chất lại, chùm bạt….ai ai cũng đều hối hả cả!

Tự hỏi thì tự trả lời vậy! Với những kiến thức được học trong trường mầm đủ để tôi thầm chắc, rằng bọn mối sợ sấm nên mới chui vào nhà xin tá túc qua đêm nhưng mẹ tôi đã không chào đón những vị khách không mời mà đến này. Rồi mẹ đặt một chậu nước dưới cái bóng đèn, bọn mối cứ thế lao vào nước mà “toi đời”, tôi đã nghĩ đó là mẹo mà ông bà ta truyền lại. Trông bọn mối chết như ngã rạ thật ngu ngốc và đáng thương làm sao. Mãi sau này tôi mới biết bọn chúng chỉ là đến mùa… “ đi đẻ”.

Phú Quốc- Trời tháng tư có mưa

Gà con

Rối rít tìm nơi

Ẩn nấp

Ông trời

Mặc áo giáp đen

Ra trận

Muôn nghìn cây mía

Múa gươm

Kiến

Hành quân

Đầy đường

Lá khô

Gió cuốn

Bụi bay

Cuồn cuộn

Thật giống với việc phân tích một bài thơ nhưng bài thơ “Mưa” của Trần Đăng Khoa thì chẳng có gì mà phân tích vì đọc đến đâu hiểu ngay đến đấy. Chỉ là giống quá giống trình tự kí ức tuổi thơ tôi trong một buổi chiều không hề có nắng. Đôi tay ú nu thò ra mái hiên hứng những giọt mưa rơi từ trên cao xuống, âm thanh ríu rít của bọn gà con:

-Chíp…chíp…chiếp…chiếp…

Gà. Đó là hình ảnh cả nhà gà bao gồm gà mẹ và một lũ gà nhép chạy theo sau, tìm nơi ẩn nấp mà cụ thể là tìm đến bụi chuối trong vườn. Tôi thấy gà mẹ rũ rượi, run cầm cập, toàn thân tản nhiệt, bốc hơi…ấp ủ mấy đứa nhỏ. Đâu đó ngoài trời vẫn còn tiếng chiếp chiếp của một khứa gà nhép lạc bầy…Nháo nhác và hỗn loạn trước cơn mưa.

 

Mía. Chỗ tôi người ta trồng nhiều mía lắm, có hẳn một cái nhà máy đường Lam Sơn cơ mà. Mía múa gươm thì tôi không biết, chứ hình ảnh cả hàng ngàn cây mía đổ dạt ào ào trong cơn giông trên một cái nền đen xám xịt thì quả là ấn tượng trong đôi mắt của trẻ lên năm.

Kiến. Ôi giồi ôi, bọn kiến tày trời! Chúng đã ăn trộm thức ăn của mẹ tôi, chúng hành quân vào nhà bếp, làm hỏng cả một nồi thịt kho của mẹ. Sau đó, mẹ đã đi thẳng vào bàn học của tôi, lấy hai tờ giấy lộn rồi châm lửa đốt bọn chúng, mẹ toàn đóng vai ác như thế trong những ngày mưa, để lại tên mặt sàn những đường vệt đen liền mạch không đứt quãng. Sáng ngày hôm sau, tôi thấy mẹ đem đường ra phơi nắng!

Phú Quốc- Trời tháng tư có mưa

Cỏ gà rung tai

Nghe

Bụi tre

Tần ngần

Gỡ tóc

Hàng bưởi

Đu đưa

Bế lũ con

Đầu tròn

Trọc lốc

Cỏ gà. Là cái loại cỏ mà bọn trẻ chúng tôi ráo riết truy tìm trong những buổi chiều đầy nắng và gió. Những cây cỏ gà ú na ú nu đó được bọn trẻ chúng tôi xem như báu vật nhưng rất dễ bị “cụt đầu” mỗi khi “ra trận”.

Chớp

Rạch ngang trời

Khô khốc

Sấm

Ghé xuống sân

Khanh khách

Cười

Cây dừa

Sải tay

Bơi

Ngọn mùng tơi

Nhảy múa

Khu vườn nhà nội thật sinh động trong cơn mưa:

Bụi tre. Bụi tre kêu kẽo cà kẽo kẹt theo tiếng rít của những cơn gió lớn, hòa tấu một bản nhạc kì quái gắn liền với những câu chuyện “ma làng” của bà tôi.

Vườn bà có cả bồng cả bưởi, rau đay và rau mùng tơi,…chỉ là không có cây dừa như ở nhà của bác Trần Đăng Khoa mà thôi.

Phú Quốc- Trời tháng tư có mưa

Mưa

Mưa

Ù ù như xay lúa

Lộp bộp

Lộp bộp…

Rơi

Rơi…

Đất trời

Mù trắng nước

Mưa chéo mặt sân

Sủi bọt

Tôi nhớ có một lần mải chơi ở nhà Bác Cả, đến giờ mẹ kêu về thì trời lại mưa. Mưa đá, lần đầu tiên tôi thấy mưa đá, những viên đá to bằng hai ngón tay ú nu của tôi, đập binh binh trên nóc nhà, rớt xuống sân vỡ vụn, rồi trôi theo dòng nước xuống mặt đường. Sau trận mưa ấy, xoài của nhà bác tôi rụng gần hết, lũ trẻ lại được dịp ra lụm xoài rụng, những trái xoài lạnh buốt, chảy nhựa, thơm thơm, đem vào chấm muối thì “ mẹ gọi cũng không về”…trừ khi

Ba gọi về thì về! Tôi sợ bị ba quánh đòn lắm!

Phú Quốc- Trời tháng tư có mưa

Cóc nhảy chồm chồm

Chó sủa

Cây lá hả hê

Bố em đi cày về

Đội sấm

Đội chớp

Đội cả trời mưa…

Sau cơn mưa, bọn ễnh ương sẽ thi nhau đánh vần như “bò rống”, một con kêu rất gần:

– Ooo…

Đáp lại là một tốp ca:

-….Ooo…..Ooo…

Cứ thế văng vẳng trong không gian tối đen như mực, buồn hắt hiu!

-Anh! Đi soi ếch không anh!

 

Là tiếng chú Út rủ ba tôi đi bắt ếch! Chú vừa nói dứt lời, ngoài đường đã bắt đầu xuất hiện những đốm trắng từ nguồn sáng của những chiếc đèn pin treo trên chán, họ vào cả trong vườn bà tôi, soi cả những bụi cỏ bên cái mương bọn trẻ chúng tôi hay thả thuyền giấy, thi nhau bắt nòng nọc đen sau mỗi trận mưa nữa! Dự là ngày mai mâm cơm của mọi người sẽ có “món ếch om cà” mà từ rất lâu rồi, từ khi rời xa vòng tay của cha mẹ lên thành phố học tập, làm việc đã không còn thưởng thức nữa!

Giờ đây ở Phú Quốc, nghe thấy “mùi mưa” lại thèm!

Phú Quốc- Trời tháng tư có mưa

Tác giả: Hala Journey

Hình ảnh: Quangsi.net