page-header

HÀ TIÊN BÊN HIÊN ĐÁ DỰNG

HÀ TIÊN TRONG KÍ ỨC TÔI

Nếu ai đó hỏi tôi: “ Quãng thời gian đẹp nhất trong đời mà tôi thiết tha được quay trở lại là khi nào?” Chắc chắn không ngần ngại mà đáp rằng đó là những năm tháng khi tôi lên ba. 

Tuổi thơ tôi gắn liền với Ngoại và cả những chuyến đi…Thật kì lạ, có những chuyện dạo gần đây tôi còn chẳng nhớ, vậy mà những câu chuyện từ thuở bé tí ti vẫn in đậm ngọt ngào trong tâm trí chẳng hề phai.

Tôi nhớ về chuyến du lịch Hà Tiên năm ấy…Mới tờ mờ sáng, đâu đó khoảng 3h, ông mặt trời còn chưa kịp thức mà ngoại đã lay cô cháu gái bé bỏng dậy đón đò lên Rạch Giá rồi bắt phà đi Hà Tiên.

Khuôn mặt bé con còn lim dim mơ màng, mắt nhắm nghiền “thả tình yêu vào đất” trong sự chờ đợi của những hành khách trên đò. 

Tôi cũng chỉ nhớ được đến đoạn đó thôi…nếu có dịp gặp Ngoại, Ngoại sẽ kể bạn nghe tiếp về hành trình rong ruổi đó đây một thời của hai bà cháu.

Sau này lớn lên, tôi có ghé Hà Tiên thêm vài lần nhưng không phải là với Ngoại nữa. Chuyến gần đây nhất là dịp sinh nhật của tôi. 

BÊN BẾN TÔ CHÂU 

Trong khi chờ đợi  tàu Superdong III đi Thạnh Thới, chúng tôi ngồi ăn sáng tại một quán vỉa hè, bánh mì cùng nước ép cam. 

Sau gần 2 tiếng đi tàu thì cũng đã tới, Hà Tiên hiện ra bên bến Tô Châu rực rỡ sắc màu, chiếc cầu tôi từng đi qua nhưng với hai tâm trạng hoàn toàn khác biệt. Dừng lại ăn một bát cháo vịt đậm vị ngọt miền Tây không hợp khẩu vị là mấy, nhưng vì đói rồi nên cũng đành ăn cho qua bữa.

Tại quán, chúng tôi bắt gặp một bà cụ với chiếc kính bự như chiếc Mask Snorkel, ống hút bự như ống thở đang lặn ngụp trong xô trà đá…liền cười giòn tan mà quên đi tô cháo dở để bắt đầu hành trình khám phá Hà Tiên.

Hala bốn tuổi ở Mũi Nai Hà Tiên

Bến Tô Châu về đêm rực rỡ ánh đèn 

NÚI ĐÁ DỰNG 

Điểm đến đầu tiên là Núi Đá Dựng với hàng hoa giấy rực hồng một góc trời. Chụp một vài tấm hình ở cổng, chúng tôi bắt đầu đi lên trong khi dòng người đang đổ xuống vì trời đã về trưa, nắng chói chang gay gắt. 

Núi Đá Dựng có rất nhiều hang động đẹp với những cái tên độc đáo…Tôi nhớ nhất là tên “Hang Khổ Qua”. Một chiếc hang khác cũng đã dừng lại rất lâu…vì không khí trong hang quá mát. Có những chiếc Hang thờ những vị Bồ Tát, cũng có những chiếc hang lưu lại vết tích thời kỳ chiến tranh,…Mỗi chiếc hang đều mang những câu chuyện riêng với dáng dấp của lịch sử thăng trầm đã qua. 

Phía cuối cung đường xuống núi, thu vào tầm mắt tôi là cánh đồng cỏ lau trải dài bạt ngàn sang tận nước bạn Cam láng giềng.

THẠCH ĐỘNG 

Điểm đến thứ hai là Thạch Động cách Đá Dựng không xa, vé vào cổng Thạch Động chỉ có 5k trong khi chúng tôi gửi xe đã hết 10k rồi. Thật là thú vị, chắc do lần đầu tôi thấy vé vào cổng tham quan du lịch rẻ đến như vậy! Ngồi nghỉ ở một chiếc ghế đá, lắng nghe nhịp sống thường ngày của những người dân bản địa, những câu chuyện cỏn con thường nhật cũng đủ làm cho chúng tôi dịu lại, sống chậm hơn và quên đi cả mệt do…vừa phải leo núi quá nhiều.

Hang động như một chiếc điều hòa tự nhiên 

Thạch động có một ngôi đền bé xinh ẩn mình trong vách đá.

Cũng cùng cung đường, chúng tôi ghé qua cửa khẩu để check in cột mốc tọa độ, Nhưng vì lý do thời điểm đó dịch covid vẫn còn phức tạp nên không thể vào, đành về phòng nghỉ ngơi. 

MŨI NAI VÀ NGỌN HẢI ĐĂNG

Chiều đến, chúng tôi tiếp tục hành trình đi Mũi Nai và Ngọn Hải Đăng. Cung đường đi Mũi Nai thật đẹp, bao quanh là một bờ kè đủ chỗ cho các đôi nam thanh nữ tú mỗi chiều ngồi hóng mát ngắm hoàng hôn. Chúng tôi cũng dừng lại cung đường đó, nơi nhìn rõ đường dây điện 220kV nối từ đất liền về phố Đảo thân thương. 

Hoàng hôn màu cam dần khuất sau những trụ điện…

Đường dây điện 220kV nối về đất đảo thân thương 

LĂNG MẠC CỬU 

Ngày thứ hai, chúng tôi ghé thăm lăng Mạc Cửu, tìm về cội nguồn lịch sử Đảo Ngọc. Thắp nhang tại đền xong, chúng tôi đi loanh quanh đọc những tài liệu, hình ảnh trưng bày  mà không khỏi bồi hồi xúc động về một nhân vật lịch sử gắn liền với đất đảo chúng tôi đang sinh sống và làm việc. 

Ngày thứ hai, chúng tôi ghé thăm lăng Mạc Cửu, tìm về cội nguồn lịch sử Đảo Ngọc. Thắp nhang tại đền xong, chúng tôi đi loanh quanh đọc những tài liệu, hình ảnh trưng bày  mà không khỏi bồi hồi xúc động về một nhân vật lịch sử gắn liền với đất đảo chúng tôi đang sinh sống và làm việc. 

Đi sâu vào bên trong là phần lăng mộ của Mạc Ni Cô, khói nhang nghi ngút. Về lược sử của Mạc Ni Cô: 

“ Mạc Ni Cô là con gái thứ Năm của đức ông Mạc Thiên Tích và bà Thái Phu Nhân Họ Nguyễn, tự Hiếu Túc. Người Đời truyền khẩu tôn xưng Bà Cô Năm. Bà là cháu nội của đức khai trấn Mạc Cửu.

Mạc Ni Cô sinh năm Canh Ngọ (1750), lúc sinh thời bà rất hiếu thảo, hiền hậu, chăm chỉ đèn sách. Bà được ca ngợi nhân từ bác ái, giúp đỡ mọi người, bà thường có mặt trong việc ủy lạo cứu trợ, an ủi nhân dân khổ lụy vì chiến tranh, hay khi có thiên tai dịch họa. Đức hạnh và nhân ái của người cha Mạc lệnh Công truyền dạy cho người thiếu nữ Mạc Ni Cô vừa đẹp người vừa đẹp nết, nổi danh khắp vùng

Nhưng Mạc Ni Cô thất lộc sớm, ngày 29 tháng 9 năm Quý Mùi (1963) vào cuối mùa thu. Mọi người vô cùng yêu quý, tiếc thương một tiểu thư bạc mệnh. Mạc Lệnh Công cho lập ngôi mộ thật hoàn chỉnh, bia đá để (Tiểu thư Mạc Ni Cô Mộ). Tình yêu của cha và lòng tôn quý của xã hội đã tôn vinh hồn thiêng người trinh nữ .

Sau khi qua đời, hồn thiêng trinh nữ đã kết tinh thành sự hiển linh, biểu hiện bằng việc cứu nguy, cứu nạn, tạo được tâm đức trong lòng người dân khắp vùng”

Chính vì thế, khi chúng tôi đến thăm ngôi đền của bà, lúc nào cũng có người ra kẻ vào, tấp nập như hội từ thập phương đổ về dâng hương cúng bái…

Chuyến đi Hà Tiên dừng lại tại lăng Mạc Cửu vô cùng ý nghĩa, chụp lại một vài bức hình lưu niệm xong chúng tôi nhanh chóng trở về sửa soạn đồ đạc để kịp lên đường đi An Giang ngay trong ngày…

Tạm biệt Hà Tiên với thật nhiều kỉ niệm đẹp!

Lăng Mạc Cửu 

Hoàng hôn Mũi Nai

Hang Động Núi Đá Dựng

Hình ảnh: Quangsi.net

Tác giả: Hala Journey